Vitamin C chắc hẳn là một trong những hợp chất vô cùng thiết yếu với cơ thể và làn da. Tuy nhiên, việc dùng tinh chất vitamin C quá liều hoặc không kết hợp với các chất khác đúng cách sẽ gây ra một số tác dụng phụ đáng kể. Cùng Physiodermie điểm qua một số tác dụng phụ của vitamin C qua bài viết dưới đây nhé!
Sơ lược về Vitamin C
Vitamin C hay còn gọi với tên khoa học là axit ascorbic. Đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương.
Đối với cơ thể và làn da, vitamin C là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào chống lại sự xâm nhập của gốc tự do. Gốc tự do có hại được tạo ra khi cơ thể phá vỡ thức ăn hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bên ngoài nên chúng có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các bệnh lý về tim, ung thư,… Vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thu và dự trữ sắt rất tốt. Thiếu vitamin C có thể dẫn đến các bệnh lý đặc trưng của cơ thể như thiếu máu, chảy máu nướu, khả năng lành vết thương kém.
Vì cơ thể của chúng ta không tự sản xuất ra vitamin C nên cần phải bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày hoặc sử dụng thực phẩm chức năng. Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C có thể kể đến như cam, quýt, cà chua, quả mọng, bông cải xanh… Hoặc bạn có thể bổ sung bằng đường uống như các vitamin C dạng viên nang và nhai. Tuy nhiên chất chống oxy hóa trong các thuốc chứa vitamin C sẽ không có lợi ích tương đương chất chống oxy hóa tự nhiên trong thực phẩm.
Cảnh báo các tác dụng phụ của vitamin C
1. Tác dụng phụ đối với sức khỏe
Bổ sung vitamin C bằng đường uống sẽ an toàn nếu bạn dùng đúng liều và với tần suất thích hợp. Tuy nhiên đa số các tác dụng phụ của vitamin C đều liên quan đến đường uống, cụ thể: Buồn nôn, nôn, ợ nóng, viêm thực quản, tắc ruột, co thắt dạ dày, mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, đi ngoài,…
Vitamin C khi dùng kéo dài bằng đường uống trên 2.000 miligam mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của vitamin C đáng kể. Trong một số trường hợp, sử dụng vitamin C bằng đường uống có thể gây nên bệnh sỏi thận.
Vitamin C còn gây ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm như xét nghiệm phân, xét nghiệm sàng lọc glucose máu. Do đó, nếu bạn đang sử dụng vitamin C cần thông báo với nhân viên y tế trước khi thực hiện các xét nghệm trên.
Tác dụng phụ của vitamin C ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây ra dị ứng, nổi mề đay, khó thở,… Khi sử dụng vitamin C bất kì cơ thể có những dấu hiệu sau bạn cần dừng sử dụng vitamin C và đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, sụt cân, ớn lạnh hoặc sốt, đau khớp, đau dạ dày.
- Tiểu tiện khó khăn, luôn có cảm giác muốn đi tiểu.
- Đau dữ dội ở khu vực hông hoặc lưng dưới, tiểu ra máu.
Đọc thêm: Dùng Vitamin C đúng cách, nên và không nên kết hợp thành phần nào?
2. Tác dụng phụ đối với làn da
Kết hợp không đúng cách gây mất tác dụng
Tinh chất dưỡng da Vitamin C thông thường hoạt động ở độ pH thấp từ 2.5 đến 3.5 mới mang lại hiệu quả cho làn da. Trong khi đó, các thành phần như Retinols, Niacinamide, AHA/BHA lại hoạt động ở độ pH cao hơn. Do đó, môi trường acid của vitamin C sẽ không thể hoạt động được khi kết hợp cùng các thành phần khác. Nói cách khác, tác dụng phụ của vitamin C trong trường hợp này là bị vô hiệu hóa tác dụng. Nghiêm trọng hơn, khi dùng cùng lúc vitamin C và các thành phần trên trong 1 routine có thể gây kích ứng da, nổi mụn.
Trường hợp bạn muốn sử dụng các thành phần này để điều trị nhiều vấn đề của da có thể tách riêng ra dùng vitamin C vào buổi sáng và các sản phẩm còn lại vào buổi tối. Dùng vitamin C vào buổi sáng sẽ giúp tăng hiệu quả của kem chống nắng lên x2 lần so với chỉ sử dụng kem chống nắng thông thường. Tuy nhiên bạn cần chống nắng đủ để tránh tác dụng ngược lại, làn da sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn
Đối với những làn da bị mụn, mới nặn mụn hay can thiệp thẩm mỹ như laser, lăn kim tuyệt đối không nên dùng vitamin C. Bởi khi dùng vitamin C trên làn da bị mụn hay vết thương chưa lành sẽ gây đỏ da, bỏng rát và khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn.
Một số dạng vitamin C trong mỹ phẩm như LAA sẽ hoạt động tốt ở độ pH tầm 3.5. Tuy LAA là dạng mạnh nhất của vitamin C và có hiệu quả cao trong việc làm mờ thâm mụn, chống lão hóa da nhưng đây lại là dạng kém bền vững và dễ bị oxy hóa nhất. Môi trường acid 3.5 của LAA sẽ làm da trở nên nhạy cảm và dễ kích ứng khi không đủ khỏe. Đối với da khô cũng dễ bị bong tróc hơn.
Nếu bạn thuộc tuýp da nhạy cảm, dễ kích ứng và nổi mụn, hãy dùng các dạng khác của vitamin C như Magnesium Ascorbyl Phosphate (MAP) hay Sodium Ascorbyl Phosphate (SAP). Hai dạng vitamin C này hoạt động ổn định ở môi trường trung tính với độ pH là 7 nên sẽ dịu nhẹ hơn với da. Đồng thời, hai dạng này khá ổn định nên sẽ giảm thiểu khả năng gây kích ứng cho da nhạy cảm hơn LAA. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ da khỏi gốc tự do và làm sáng da của MAP hay SAP sẽ không hiệu quả bằng LAA.
Tìm hiểu thêm: Bỏ Túi 5 Cách Làm Da Sáng Mịn Nhanh Chóng Tại Nhà
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com