Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da không thể thiếu trong list các sản phẩm skincare của chị em phụ nữ, đặc biệt trong tiết trời nắng gắt của mùa hè ở Việt Nam. Vậy bạn đã hiểu gì về kem chống nắng và cách phân biệt các loại kem chống nắng phổ biến chưa?
Xem thêm: Tác hại của tia UV đối với làn da
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là sản phẩm giúp chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời nhờ hấp thu hoặc phản xạ tia tử ngoại (tia UV) từ mặt trời. Tia UV được chi thành 3 loại gồm UVA, UVB và UVC. Trong đó tia UVC là loại tia ít ảnh hưởng đến da nhất bởi chúng đã bị bầu khí quyển chặn lại. Vì vậy, kem chống nắng chủ yếu có tác dụng ngăn chặn tia UVA và UVB.
Kem chống nắng giống như một lớp màng bảo vệ da tránh khỏi các bức xạ gây hại đến làn da. Đối với sức khỏe, kem chống nắng bảo vệ da khỏi tia cực tím phòng tránh bệnh ung thư da. Đối với làn da, kem chống nắng giúp ngừa thâm sạm, lão hóa, ngăn chặn sự xuất hiện của các vết đồi mồi, nám và tàn nhang. Ngoài ra, một số loại kem chống nắng còn tích hợp thêm tính năng che phủ của kem nền, thích hợp dùng như một lớp lót. Vì thế, kem chống nắng được xem như “vật bất li thân” của chị em phụ nữ. Vậy các loại kem chống nắng phổ biến được phân loại như thế nào?
Phân loại các loại kem chống nắng theo cơ chế
Các loại kem chống nắng phổ biến được chia làm 2 loại dựa trên cơ chế tác động là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học.
1. Kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý (hay còn gọi là “sunblock”) là loại kem chống nắng cơ học có khả năng phản xạ lại các tia UV. Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý khi thoa lên da là tạo ra một lớp màng bảo vệ, màng bảo vệ này có khả năng phản xạ và phát tán tia UV khiến chúng không thể tác động lên da.
Lớp kem nằm trên da như một áo giáp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Thành phần chính trong kem chống nắng vật lý thường chứa Zinc oxide và Titanium dioxide.
Ưu điểm của kem chống nắng vật lý là rất lành tính và ít gây kích ứng, khả năng bảo vệ da bền vững trong thời gian dài. Đặc biệt, khi thoa kem chống nắng vật lý bạn có thể ra đường ngay sau khi thoa mà không cần chờ thời gian 15 hay 20 phút để kem thẩm thấu.
Tuy nhiên, so với các loại kem chống nắng khác, kem chống nắng vật lý cũng có những nhược điểm riêng. Kem chống nắng vật lý thường có chất kem khá đặc dễ gây bí da, do đó dễ làm bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Ngoài ra, sử dụng kem chống nắng vật lý cũng hay để lại vệt trắng trên da do nằm trên bề mặt. Điều này gây ra các vệt trắng loang lổ mất thẩm mỹ cho người sử dụng.
2. Kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học (hay còn gọi là “sunscreen”) được điều chế từ các thành phần hóa học. Thay vì phản xạ lại tia UV như kem chống nắng vật lý, cơ chế hoạt động của kem chống nắng hóa học là hấp thụ các tia UV. Sau khi hấp thụ, kem chống nắng hóa học sẽ phân hủy và xử lý tia UV trước khi chúng gây nguy hại đến làn da.
Thành phần của kem chống nắng hóa học thường có: avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone…Tuy nhiên, ngoài các thành phần kể trên thì kem chống nắng hóa học còn chứa kha khá các chất gây kích ứng cho da nên da nhạy cảm cần hết sức lưu ý.
Ưu điểm của kem chống nắng hóa học là thấm nhanh vào da, không gây bóng dầu do không để lại lớp màng như kem chống nắng vật lý. Vì thế, kem chống nắng hóa học cũng dễ tiệp vào da hơn nên có thể sử dụng để thay kem lót trang điểm.
Nhược điểm của kem chống nắng hóa học có thể kể đến như:
- Sau khi thoa kem chống nắng, cần dành từ 15 – 20 phút để kem hấp thụ hoàn toàn vào da rồi mới có thể đi ra ngoài.
- Thường xuyên thoa lại sau 2 – 3 tiếng nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì kem chống nắng hóa học thường không bền vững trên da khi tiếp xúc ánh nắng.
- Các thành phần trong kem chống nắng hóa học có thể gây kích ứng cho da, đặc biệt với những người sở hữu làn da nhạy cảm.
Như đã biết, khi da tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong ánh nắng mặt trời mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào sẽ khiến cho da dần dần xuất hiện các vấn đề về lão hóa như tàn nhang, sạm, nám và các nếp nhăn. Vì thế, dùng kem chống nắng càng sớm chính là biện pháp bảo vệ giúp làn da bạn luôn khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com