Tăng sắc tố là tình trạng các mảng da trở nên sậm màu hơn so với vùng da bình thường. Tình trạng này xảy ra khi lượng melanin được sản xuất quá nhiều và phân bổ lên trên bề mặt da tạo ra các đốm nâu. Vậy sắc tố da là gì và nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tăng sắc tố?
Tổng quan về sắc tố da
1. Sắc tố da là gì?
Sắc tố da được quy định bởi sắc tố melanin – yếu tố quyết định màu của da, tóc và mắt của chúng ta. Melanin là một protein hình thành từ axit amin L-tyrosine và có cấu trúc polymer khá phức tạp. Melanin được sản xuất bởi tế bào melanocytes (tế bào tạo sắc tố) ở trong các melanosome dưới sự xúc tác của enzyme Tyrosinase. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, Tyrosinase sẽ được kích hoạt và tạo ra sắc tố melanin – đó cũng là nguyên nhân hình thành nám, sạm, tàn nhang.
2. Các dạng tồn tại của sắc tố melanin
Sắc tố melatin tồn tại dưới 3 dạng chính, tuy nhiên 2 dạng có liên quan mật thiết đến da là Eumelanin và Pheomelanin:
- Eumelanin (hắc sắc tố): có màu nâu sẫm, nâu đen hoặc màu đen và thường tìm thấy ở những người da màu (đặc biệt người Châu Á). Eumelanin sẽ quyết định màu ở tóc, mắt và da của bạn. Ví dụ: tóc màu nâu đen xuất phát từ sự pha trộn khác nhau của loại eumelanin đen và nâu. Tóc vàng xuất hiện khi cơ thể không có eumelanin màu đen và chỉ tồn tại một lượng nhỏ eumelanin màu nâu. Ngoài ra loại sắc tố này còn có tác dụng bảo vệ da khỏi tia UV.
- Pheomelanin (sắc tố sáng): có màu vàng đỏ và xuất hiện nhiều trong da của những người da trắng hoặc tóc đỏ (đặc biệt ở người Châu Âu). Pheomelanin sẽ quyết định màu cho các bộ phận cơ thể như môi, tóc. Ví dụ nếu tóc bạn có màu đỏ tức là số lượng pheomelanin và eumelanin có tỷ lệ bằng nhau. Tóc vàng xảy ra khi bạn có eumelanin nâu và pheomelanin. Khác với eumelanin, sắc tố này không có tác dụng bảo vệ da chống lại tia UV. Ngược lại, sự tổng hợp của nó sẽ tạo ra các gốc tự do tấn công da.
Tỉ lệ của 2 loại sắc tố này sẽ quyết định màu da của bạn. Khi da chứa càng nhiều hắc tố Eumelani thì tông da của bạn sẽ càng sậm màu hơn. Pheomelanin tăng lên và Eumelanin giảm xuống da bạn sẽ có tông màu trắng sáng.
Nguyên nhân gây tăng sắc tố da mặt
1. Tác động của tia UV trong ánh nắng mặt trời
Tia UV là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến vấn đề tăng sắc tố da mặt. Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh năng mặt trời chứa tia UV, sắc tố sẽ xuất hiện ngay lập tức từ 5 đến 10 phút rồi biến mất. Tia cực tím sẽ xuyên qua lớp biểu bì và kích thích tế bào tạo sắc tố melanocytes tiết ra melanin. Khi melanin tăng lên một cách bất thường thì số lượng melanin được sản xuất quá mức sẽ phân bổ trên bề mặt da tạo ra các đốm nâu. Đây chính là một trong những biểu hiện của tăng sắc tố da mặt và nguyên nhân khiến da sạm đen.
Hãy luôn nhớ dùng Kem chống nắng để bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời!
2. Tăng sắc tố sau viêm
Tăng sắc tố sau viêm ở da là tình trạng tăng melanin khi da bạn bị tổn thương do nhiều bệnh lý về da và các thủ thuật ngoài da khác nhau. Các bệnh lý liên quan đến mụn trứng cá, can thiệp laser, lăn kim,…. Quá trình viêm sau khi da bị tổn thương kích thích giải phóng và oxy hóa acid arachidonic làm tăng sản xuất leukotrienes , cytokines, chemokines và prostaglandins cùng các chất trung gian gây viêm. Các chất trung gian gây viêm này kích thích tế bào melanocyte gia tăng sản xuất và vận chuyển melanin lên bề mặt da.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc tránh thai hay một số loại thuốc hóa trị liệu, chống động kinh, thuốc kháng sinh… gây ra sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Điều này sẽ kích hoạt tế bào melanocytes hoạt động mạnh làm gia tăng sản xuất melanin. Ngoài ra, một số loại thuốc bôi như retinoids, hydroquinone… khi sử dụng quá liều với nồng độ cao và kéo dài sẽ gây ra tác dụng phụ là tình trạng tăng sắc tố.
4. Thay đổi nội tiết tố
Nguyên nhân chính thứ tư gây nên tình trạng tăng sắc tố da mặt là sự thay đổi nội tiết tố. Thay đổi nội tiết tố đặc biệt trong thời kì phụ nữ mang thai làm thay đổi hàm lượng Estrogen và Progesteron trong máu. Điều này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra lượng melanin dưới da nhiều hơn gây ra nám da. Tăng sắc tố (nám da) xuất hiện trong thai kì gọi nôm na là “mặt nạ thai kì”. Ở một số người, tình trạng này sẽ tự biến mất sau sinh tuy nhiên đa số đều trở nặng hơn bởi không điều trị kịp thời.
Tăng sắc tố da mặt là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ hiện nay. Hiểu được nguyên nhân giúp bạn có cách phòng tránh và ngăn ngừa kịp thời hơn.
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com