Được quảng bá như một biện pháp làm đẹp thần thánh tại các thẩm mỹ viện, spa, hút chì thải độc cho da mặt không còn xa lạ gì đối với chị em phụ nữ. Đây được xem như một cách thải độc cho làn da khỏi chì và các độc tố tích tụ lâu ngày. Sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp luôn là mảnh đất màu mỡ vì thế các thông tin truyền đi đôi lúc bị “bẻ cong” để tạo nhu cầu. Vậy phương pháp này có bị “thổi phồng” hay không? Cùng Physiodermie tìm hiểu thực hư nhé!
Cơ thể con người nhiễm chì như thế nào?
Chì là một loại độc tố kim loại nặng có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Điển hình là môi trường ô nhiễm, khí thải từ các động cơ đốt và nhà máy, thực phẩm bẩn được nuôi trồng ở nơi ô nhiễm… Chì cũng tồn tại ở trong các loại mỹ phẩm trang điểm (son môi, phấn, kem trang điểm) và mỹ phẩm chăm sóc da kém chất lượng. Hơn nữa còn chứa hàm lượng khá cao vì chì giúp làm tăng độ bám của sản phẩm trên da.
Ba con đường chính mà chì xâm nhập qua cơ thể là hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da, niêm mạc. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng chắc hẳn 99% lượng chì mà cơ thể bị nhễm sẽ đến từ việc thoa mỹ phẩm kém chất lượng. Nhưng sự thật khi thoa sản phẩm có chứa chì lên da thì lượng chì này sẽ được hấp thu vào máu và sau đó đến các cơ quan nội tạng như hệ thần kinh, xương khớp… Chì không hề nằm sâu dưới da và gây ra sạm nám như cách chúng ta nghĩ.
Hút chì thải độc cho da mặt dưới góc nhìn khoa học
1. Phương pháp hút chì thải độc da tại các spa
Những năm gần đây, hút chì thải độc da là một dịch vụ khá đắt khách trong ngành thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp. Hầu hết khi đến chăm sóc da tại các cơ sở làm đẹp, dịch vụ đầu tiên mà chị em chọn là hút chì cho mặt, môi,…. Và không hiểu nguyên nhân từ đâu, nhiều nơi gắn cho bệnh nhân bị nám da nguyên nhân đến từ độc tố và chỉ tích tụ lâu ngày không được loại bỏ. Nám sạm, theo khoa học nghiên cứu là do sự tăng sắc tố melanin dưới da và đẩy lên bề mặt tạo thành các đốm nâu sậm màu. Vì thế, việc hút chì để trị nám hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào.
Phương pháp hút chì thải độc da mặt tại spa sử dụng các loại máy có áp suất cao giúp lỗ chân lông giãn nở ra. Các máy này giúp làm sạch bã nhờn và bụi bẩn sâu trong các lỗ chân lông. Đồng thời bôi một chất không rõ nguồn gốc lên mặt, kết hợp cùng mồ hôi và mỡ thải qua da dưới nhiệt độ để tạo ra phản ứng hóa học. Phản ứng hóa học tạo màu này để lại màu đen trên mặt mà chúng ta nghĩ đó là “chì”.
2. Sự thật về hút chì thải độc cho da mặt
Hút chì thải độc cho da mặt chính là chiêu trò mà các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín dùng để câu kéo khách hàng. Thực chất, cách hút chì trên da mặt này hoàn toàn không có tác dụng “hút chì” như lời quảng cáo. Việc “hút chì ra khỏi da” vẫn là một khái niệm không tồn tại trong lĩnh vực y tế và thậm chí được xem như là một yếu tố gây cười khi giới chuyên môn da liễu và thẩm mỹ nói chuyện với nhau.
Cơn sốt hút chì thải độc cho da mặt mạnh đến nỗi chúng ta có thể bắt gặp hàng loạt các sản phẩm chăm sóc da tại nhà có tác dụng hút chì. Như mặt nạ hút chì, mặt nạ thải độc, kem dưỡng thải độc sáng da… Về bản chất thì tất cả những sản phẩm trên cùng phương pháp hút chì tại spa đều mang tính tẩy tế bào chết và làm sạch da sâu cho da mà thôi.
3. Thải độc chì chuẩn khoa học
Cách chẩn đoán khoa học nhất để biết được cơ thể có bị nhiễm chì hay không là thực hiện xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho thấy nồng độ chì trong máu để chẩn đoán tình trạng ngộ độc chì. Ngoài ra, kết hợp với chụp X-quang và sinh thiết tủy xương cũng giúp hỗ trợ chẩn đoán vì chì thường lắng đọng ở xương.
Cơ thể khi bị nhiễm độc tố kim loại nặng nói chung và nhiễm độc chì nói riêng thì việc loại bỏ ra khỏi cơ thể là điều cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần xác định nguyên nhân vì sao da bị nhiễm độc chì, do thực phẩm, nguồn nước hay mỹ phẩm. Từ đó loại bỏ các nguyên nhân trên để tình trạng này không trở nặng. Nếu việc ngộ độc chì mới xuất hiện và đến từ việc ăn uống, thì có thể cho người bệnh uống than hoạt tính (hoặc EDTA) để kết hợp với chì có trong đường tiêu hóa, để sau đó thải ra ngoài qua phân. Tình trạng nặng thì cần phải lọc máu và chạy thận nhân tạo.
Tóm lại, việc điều trị ngộ độc chì không chỉ đòi hỏi phương tiện chuyên dụng, mà người điều trị cũng phải là một bác sĩ hoặc chuyên viên được đào tạo bài bản và đã được cấp chứng chỉ. Do đó, hút chì thải độc cho da mặt là một phương pháp hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Tìm hiểu thêm: Những Cách Thải Độc Da Mặt Tại Nhà Không Cần Đến Spa
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com