Mang nhiều lợi ích trong điều trị các bệnh lý và làm đẹp nói chung. Corticoid được sử dụng rộng rãi với nhiều dạng dùng khác nhau: dạng uống, dạng hít, dạng tiêm, corticoid bôi tại chỗ. Đi đôi với lợi ích, corticoid cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe và làn da. Vậy những dấu hiệu nhiễm corticoid nào trên da cần lưu ý?
Bài viết liên quan: Đi Tìm Lời Giải Cho Tác Dụng Corticoid ?
Các dấu hiệu nhiễm corticoid
Dấu hiệu nhiễm corticoid thể hiện lên toàn cơ thể và làn da có thể kể đến như:
1. Tác dụng phụ đến toàn thân
- Hạn chế phát triển chiều cao ở trẻ em do sử dụng Corticoid ở liều cao trong thời gian dài sẽ ức chế sự phát triển của xương và sụn.
- Loãng xương: Corticoid làm giảm hấp thu canxi ở ruột, gây mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Do đó cũng làm tăng quá trình hủy xương, gây ra tình trạng loãng xương, giòn hoặc xốp xương. Người bệnh dùng corticoid kéo dài lâu năm có thể dễ bị gãy xương. Đặc biệt là xương ở những vùng chịu lực nặng như xương đùi, cột sống, xương chậu, cổ tay,…
- Hội chứng Cushing: là một hội chứng rối loạn phân bố mỡ. Mô mỡ ở những người gặp hội chứng này sẽ thường tập trung ở vị trí mặt, lưng, ngực, gây hiện tượng gù trâu và khuôn mặt bầu bĩnh.
- Suy vỏ thượng thận: trong điều kiện sinh lý bình thường, vỏ thượng thận tiết ra hormon cortisol ở thời gian nhất định. Việc sử dụng corticoid quá liều và không đúng thời gian sẽ làm ức chế quá trình tiết hormon từ đó gây teo vỏ thượng thận. Dẫn đến cơ thể không thể tự sản xuất corticosteroid tự nhiên gây phụ thuộc thuốc.
- Tăng đường huyết: cơ chế hoạt động của corticoid là phân giải Glycogen thành glucose và tăng tân tạo đường từ protid. Dùng corticoid kéo dài làm giảm dung nạp glucose, giảm đáp ứng insulin từ đó làm tăng nguy cơ đái tháo đường và các bệnh tim mạch.
- Loét dạ dày – tá tràng: thường gặp ở các bệnh nhân dùng nhóm thuốc kháng viêm chứa corticoid hoặc non-corticoid do cơ chế tăng tiết dịch vị và giảm tiết chất nhầy tiêu hóa.
2. Tai biến da khi dùng corticoid tại chỗ
Ngoài các dạng thuốc bôi với mục đích điều trị, các corticosteroid còn được sử dụng với mục đích làm đẹp, đặc biệt là corticoid có trong kem trộn. Khi sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid (kem trộn), thời gian đầu da sẽ đẹp lên nhanh chóng (giảm mụn, mờ thâm, trắng hồng và căng bóng). Nhưng khi ngừng thuốc đột ngột hoặc sau 1 thời gian sử dụng, chúng sẽ gây ra các biến chứng nặng nề và khó chữa.
Lạm dụng corticoid trong thời gian dài có thể gây ra bệnh viêm da corticoid. Các dấu hiệu nhiễm corticoid thường gặp phải là mỏng da, teo da, giãn mao mạch, tăng sắc tố. Nghiêm trọng hơn, khi tình trạng da nhiễm corticoid chuyển biến nặng có thể gây hoại tử. ĐÂY chính là dấu hiệu nhiễm corticoid cần lưu ý bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ làn da. Khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Những lưu ý sử dụng corticoid an toàn
1. Nguyên tắc chung khi sử dụng corticoid
Để tránh các tác dụng phụ của corticoid đến toàn thân, cần lưu ý một số nguyên tắc chung khi sử dụng corticoid dưới đây:
- Dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Nếu dùng kéo dài, người bệnh cần áp dụng phác đồ giảm liều theo hướng dẫn.
- Chọn loại corticosteroid có thời gian bán thải ngắn hoặc vừa (như prednisolon).
- Corticoid liều cao: chỉ dùng 1 lần/ngày vào 8 giờ sáng hoặc 2/3 liều vào buổi sáng và 1/3 liều vào buổi chiều. Lưu ý liêu cao chỉ áp dụng cho bệnh nhân nặng, phải dùng thuốc kéo dài.
- Corticoid liều trung bình: dùng cách ngày 1 lần trên ngày và vào buổi sáng.
- Corticoid liều nhỏ: Dùng theo đợt ngắn, thời gian kéo dài dưới 2 tuần.
- Lưu ý quan trọng nhất là tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột sau 1 đợt điều trị kéo dài (>2 tuần), kể cả khi dùng với liều rất thấp vì có thể gây tử vong.
2. Nguyên tắc dùng corticoid bôi ngoài da
Như đã nói, dấu hiệu nhiễm corticoid nghiêm trọng nhất cần lưu ý là ảnh hưởng của chúng đến làn da. Vì thế, để giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ không mong muốn, sử dụng các thuốc corticoid bôi ngoài da cần lưu ý:
- Chọn loại corticoisteroid phù hợp với bệnh lý đang gặp phải và vùng da bị tổn thương theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tuân thủ liều lượng bôi: thường từ 1-2 lần mỗi ngày. Khi bôi nên massage để thuốc thẩm thấu.
- Tuân thủ thời gian dùng thuốc bôi: Loại mạnh khoảng 2 tuần, loại nhẹ có thể kéo dài 6 – 7 tuần. Theo dõi da sau mỗi 2 tuần sử dụng để điều chỉnh.
- Không tự ý ngưng sử dụng corticoid đột ngột khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ.
- Không bôi corticosteroid trên diện rộng vì có thể gây tác dụng lên toàn thân do quá liều.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại kem trộn có chứa corticoid dù ở bất cứ dạng nào.
Hi vọng bài viết trên đây giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về các mặt hại của corticoid trong điều trị và nắm chắc nguyên tắc sử dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn!
Bài viết liên quan: Da nhiễm corticoid nhẹ & cách phục hồi trước khi chuyển nặng
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com