Sắc tố melanin là gì? Sắc tố Melanin là những hạt sắc tố được tạo nên từ những tế bào da được gọi là melanocytes (tế bào biểu bì tạo hắc tố) phân bố ở lớp đáy của thượng bì. Ngoài việc quyết định màu sắc cho da, tóc, mắt của con người, Melanin còn có khả năng bảo vệ làn da tránh các tác hại từ ánh nắng mặt trời.
Đọc ngay: Rối loạn sắc tố da có nguy hiểm không?
Sắc tố melanin là gì?
Số lượng tế bào melanocytes của mỗi người là như nhau nhưng lượng sản sinh ra sắc tố melanin ở mỗi người là khác nhau. Do vậy, nếu những tế bào melanocytes tạo ra ít melanin thì tóc, da và mống mắt của bạn sẽ có màu nhạt; ngược lại nếu tóc, da và mắt của bạn có màu tối hơn tức là tế bào melanocytes của bạn tạo ra nhiều melanin hơn. Lượng melanin mà cơ thể bạn tạo ra phụ thuộc vào gen. Do đó, nếu cha mẹ của bạn có nhiều hoặc ít sắc tố da, bạn có thể có các vấn đề tương tự.
Các loại sắc tố Melanin và vai trò trong cơ thể người
Vai trò chính của sắc tố melanin là quy định màu sắc da dù sắc tố này cũng được tìm thấy trong tóc, mô mống mắt và các mạch máu ở tai trong. Ngoài ra, sắc tố melanin còn được tìm thấy trong các mô não, tủy sống, các tế bào thần kinh, tuyến thượng thận và một số cơ quan khác trong thể. Melanin có nhiều loại khác nhau với vai trò và nhiệm vụ khác nhau trong cơ thể con người.
1. Eumelanin
Eumelanin là các tế bào gồm nhiều polyme liên kết chéo, chủ yếu tạo ra màu sắc ở tóc, mắt và da. Có hai loại eumelanin: eumelanin nâu và eumelanin đen. Màu tóc đen và nâu xuất phát từ sự pha trộn khác nhau của loại eumelanin đen và nâu. Mùa tóc vàng là khi cơ thể chỉ có một lượng nhỏ eumelanin màu nâu và không có eumelanin màu đen.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện tóc bạc ở người cao tuổi là do khi cơ thể già đi, cơ thể tiếp tục sản xuất eumelanin màu đen nhưng ngừng sản xuất eumelanin màu nâu.
2. Pheomelanin
Pheomelanin là sắc tố tạo màu cho các bộ phận cơ thể như môi, núm vú, quy đầu dương vật và âm đạo. Nếu tóc bạn có màu đỏ, nghĩa là số lượng pheomelanin và eumelanin bằng nhau. Tóc của bạn có màu vàng dâu tây khi bạn có eumelanin nâu và pheomelanin.
3. Neuromelanin
Neuromelanin là sắc tố kiểm soát màu sắc của các tế bào thần kinh và không liên quan đến các màu sắc mà chúng ta có thể nhìn thấy. Neuromelanin là một sắc tố polyme không hòa tan sẫm màu và chưa xác định được chức năng sinh học trong cơ thể người.
Các bệnh lý liên quan đến rối loạn Melanin
1. Bệnh bạch tạng
Bệnh bạch tạng là một dạng của rối loạn sắc tố melanin hiếm gặp do trong cơ thể có rất ít sắc tố melanin. Những người bị bệnh bạch tạng có đặc điểm là tóc trắng, mắt xanh, da nhợt nhạt và có thể có vấn đề về thị lực. Đây là dạng rối loạn sắc tố bẩm sinh nên hiện nay chưa có biện pháp điều trị.
2. Bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến là do cơ thể mất tế bào hắc tố melanocytes. Người bệnh có đặc điểm là các mảng da có màu trắng mịn. Bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng, không lây nhiễm nhưng có thể gây căng thẳng hoặc áp lực tâm lý cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh như thuốc tạo màu da, liệu pháp ánh sáng UV, thuốc nhạy cảm với ánh sáng, kem corticosteroid và phẫu thuật có thể khôi phục màu sắc cho da. Tuy nhiên các biện pháp điều trị này không làm khỏi bệnh hoàn toàn.
3. Nám da
Nám da là tình trạng hình thành các mảng da màu nâu, thường xuyên xuất hiện trên khu vực mặt. Các vùng da khác trên cơ thể nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể bị nám. Bệnh nám da có thể tự cải thiện bằng các loại kem chuyên dụng, thuốc bôi và các biện pháp cải thiện khác như peel da hoặc có thể gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
4. Mất sắc tố da sau tổn thương
Các tổn thương da sau tai nạn như bị bỏng, phồng rộp, nhiễm trùng da và bị mất sắc tố sau khi phục hồi khiến cơ thể không thể thay thế các sắc tố melanin ở khu vực bị thương.
Vấn đề này không nghiêm trọng và bạn không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo các biện pháp làm đều màu da, trang điểm để khắc phục nếu nó ảnh hưởng đến ngoại hình.
5. Bệnh Parkinson
Parkinson là bệnh thường thấy ở tuổi già khi mà lượng neuromelanin trong não giảm xuống (bình thường lượng neuromelanin trong não tăng lên khi cơ thể già đi). Bệnh gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não. Các triệu chứng chính là cứng cơ, run rẩy, thay đổi giọng nói và dáng đi.
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh Parkinson. Người bệnh có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng thể chất, tinh thần.
6. Ảnh hưởng đến thính lực
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quá ít melanin trong cơ thể có thể dẫn đến việc thính giác kém hoặc bị điếc.
Bài viết đã trả lời cho bạn câu hỏi “Sắc tố melanin là gì?” cùng những bệnh lý liên quan đến rối loạn sắc tố. Số lượng sắc tố có trong cơ thể là do yếu tố di truyền do vậy việc gặp phải các rối loạn melanin là điều không mong muốn. Do vậy, việc kiểm soát sắc tố có thể gặp nhiều khó khăn và cần được thực hiện một cách kiên trì trong thời gian dài.
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com